Mục Lục Nội Dung
Chào các bạn, thực tập có lẽ là khái niệm đã quá quen thuộc với các bạn sinh viên nói chung. Thường thì vào những năm cuối của đại học hoặc cao đẳng, các bạn sinh viên sẽ tìm cho mình một vị trí thực tập tại doanh nghiệp trước khi tốt nghiệp và đi làm thực tế.
Nhưng chắc hẳn các bạn sẽ băn khoăn để chọn làm sao cho đúng, để có thể học được nhiều điều từ nơi mình thực tập, thậm chí là nhiều yếu tố khác nữa.
Vậy nên trong bài viết này mình sẽ chia sẻ với các bạn 5 yếu tố mà mình rút ra được khi mình muốn chọn một môi trường thực tập tốt. Mình cũng sẽ sắp xếp chúng theo mức độ quan trọng từ cao tới thấp. Ok, giờ thì bắt đầu thôi nào !
#1. Yếu tố con người
Vâng, yếu tố con người dù là ở môi trường nào, công ty nào thì vẫn luôn là quan trọng nhất. Các bạn biết vì sao không?
Đơn giản là vì con người làm nên tất cả, các bạn cứ để ý mà xem, công ty nào phát triển rực rỡ thì ở đó có những con người tài giỏi và chăm chỉ.
Nhưng một câu hỏi đặt ra là làm sao để một thực tập sinh biết được điều đó, làm sao chúng ta biết được con người ở công ty đó ra sao mà lựa chọn. Hơn nữa, ở đâu chẳng có người này, người kia.
Thì có hai cách cho bạn đây, hoặc là bạn tìm hiểu về công ty đó qua Internet, xem các đánh giá về công ty, hỏi thăm bạn bè, người quen làm ở đó (nếu có).
Hoặc là bạn hãy để ý ngay từ lần đầu đến công ty phỏng vấn chẳng hạn, hãy chú ý quan sát tác phong làm việc của mọi người. Cách họ tiếp đón bạn, cách họ trao đổi với bạn về công việc….
data-full-width-responsive="true"
=> Tự bạn sẽ cảm nhận được con người ở đó ra sao. Tất nhiên, chỉ với nhiêu đó thôi thì không thể kết luận được ngay, mà có thể phải cần thêm thời gian tiếp xúc chúng ta mới thực sự hiểu rõ.
Nhưng dù sao đi chăng nữa, được làm việc cùng với những người tài giỏi, nhiệt huyết, chăm chỉ thì bạn sẽ học hỏi được rất nhiều điều và đó cũng chính là lý do tại sao yếu tố con người lại là quan trọng nhất.
#2. Văn hóa công ty
Nói đến văn hóa công ty thì trước tiên bạn phải xem bản thân mình là mẫu người như thế nào. Liệu bạn có phải là người rụt rè, chỉ chú tâm vào công việc hay là người năng động, cởi mở thích giao lưu kết bạn…
Khi bạn xác định được điều đó rồi thì hãy xem xem mình có phù hợp với văn hóa công ty đó hay không. Thế nào là văn hóa công ty?
Thông thường, văn hóa công ty được hình thành từ những người nhiều năm gắn bó với công ty, không phải là họ cố tình tạo ra văn hóa như thế, mà bằng một cách vô hình nào đó nó tự hình thành và mọi người thấy nó ổn, rồi coi đó là một nét đặc trưng của công ty.
Ví dụ như công ty mình, cứ đến giờ ăn cơm trưa xong là anh em lại rủ nhau chơi game hoặc đi trà đá chém gió cho khuây khỏa, vì ngồi cả ngày trước máy tính đã khá căng thẳng rồi.
Nếu bạn là người chăm chỉ, chỉ thích làm việc, không chơi game thì bạn sẽ thấy mình không phù hợp với văn hóa công ty kiểu như vậy. Vậy bạn sẽ phải làm gì? phải thay đổi ra sao cho phù hợp với công ty đó?
Không ! Chỉ khi bạn thấy văn hóa công ty đó phù hợp với bạn, bạn thích nó thì hãy thay đổi, còn không cứ là bạn, tìm cách khác hòa đồng với mọi người vậy thôi.
#3. Môi trường làm việc
Môi trường làm việc bao gồm rất nhiều yếu tố, từ không gian làm việc, vị trí ngồi, có ồn hay không, hay thậm chí là bàn ghế có thoải mái hay không…
Tất nhiên, đây là yếu tố phụ mà bạn có thể thích nghi được, nó sẽ không phải là vấn đề gì quá lớn.
Nhưng với một số người, họ lại rất quan trọng yếu tố này. Mình lấy ví dụ hồi công ty mình có phỏng vấn một anh và anh ý bị nghiện thuốc lá.
Anh ý hỏi là công ty có chỗ nào để hút thuốc lá hay không, và tất nhiên là không, vì đâu ai rảnh thiết kế một chỗ riêng cho người hút thuốc lá (muốn hút thì ra ngoài :D). Thế là anh đó đã từ chối làm việc tại công ty mình 🙂
Thế mới biết môi trường làm việc đôi khi cũng rất quan trọng, nóng phải có điều hòa, tường làm sao cách âm tốt, bài trí văn phòng sao cho tiện đi lại, khoa học…
Chỉ khi nào các bạn cảm thấy thoải mái thì các bạn mới có tinh thần để làm việc. Chính vì vậy, nếu bạn để ý một công ty nếu biết quan tâm nhân viên thì văn phòng công ty đó sẽ thiết kế rất khoa học.
#4. Chế độ đãi ngộ
Tiếp theo là vấn đề đãi ngộ, mình biết là vị trí thực tập sinh thì quan trọng nhất vẫn là bạn học được gì.
Nhưng nếu có đãi ngộ thì rõ ràng bạn sẽ có động lực hơn một chút. Với thực tập sinh, thực sự mà nói thì lương sẽ không cao lắm đâu. Các bạn cần xác định rõ ngay từ đầu là như vậy !
Chủ yếu là được trả lương theo ngày làm việc, vì nhiều bạn còn bận học không thể đi làm Fulltime được.
Nhưng như thế nào thì được gọi là đãi ngộ tốt? Không chỉ có lương mà cả các vấn đề như thưởng, du lịch… bạn cũng nên xem xét.
Nếu so với nhân viên chính thức thì thực tập sinh không thể nào có đủ các chế độ đãi ngộ được. Vì vậy, bạn đừng thắc mắc về chuyện đó (trừ khi bạn làm được việc, đáp ứng được các công việc như một nhân viên chính thức).
Nhiều bạn hỏi thực tập không lương có được không? Cái này thì mình nghĩ là bạn nên xem xét khả năng tài chính của công ty đó nữa. Ơ, nhưng làm sao mà biết được?
Đơn giản thôi, các công ty mới thành lập (startup) được 1-2 năm thì đa số họ có nguồn tài chính yếu, họ không thể trả lương cho bạn được, nhưng bù lại nếu bạn học được nhiều điều từ công ty đó thì vẫn cứ OK.
Còn với những công ty dù có tiềm lực tài chính mạnh nhưng vẫn kì kèo vài đồng lương với thực tập sinh thì mình khuyên bạn nên suy nghĩ lại.
#5. Khoảng cách
Và yếu tố cuối cùng mà mình muốn đề cập đến đó là khoảng cách từ nhà bạn đến công ty. Nếu tất cả các điều bên trên đều OK hết rồi thì xa chút cũng không sao !
Nhưng nếu đi xa bạn phải chấp nhận đánh đổi là mất thời gian đi lại, nhiều khi đi xa còn mệt nữa. Về đến nhà chỉ muốn ngủ thôi. Mà ngủ là hỏng rồi.
Chính vì vậy, đặc biệt là với các bạn sinh viên còn đi học thì mình khuyên hãy chọn một công ty sao cho gần nhà để tiết kiệm thời gian đi lại, tránh mệt mỏi. Giành thời gian và sức lực đó để trau dồi thêm kiến thức.
Vì đây là giai đoạn các bạn phải học nhiều nhất, được làm, được học để tạo nên sự khác biệt sau này.
Nhưng nếu có lỡ tìm được một công ty phù hợp mà lại hơi xa nhà một chút thì cũng phải chịu khó thôi, vì sẽ hiếm khi mọi chuyện diễn ra một cách thuận lợi lắm 🙂 Hãy biết cân nhắc giữa việc được gì và mất gì và đưa ra quyết định đúng đắn nha các bạn.
#6. Kết luận
Đọc thêm:
Vâng, trên đây là 5 yếu tố mà mình cho là quan trọng nhất khi lựa chọn công ty/ doanh nghiệp để thực tập.
Có lẽ, nhiêu đó yếu tố thôi thì chưa phải là tất cả, nhưng mình hy vọng là nó sẽ giúp các bạn phần nào đưa ra được quyết định đúng đắn hơn trong việc lựa chọn một công ty để thực tập.
Chào tạm biệt và hẹn gặp lại các bạn trong các bài viết tiếp theo nha !
CTV: Nguyễn Đức Cảnh – Blogchiasekienthuc.com
Note: Bài viết này hữu ích với bạn chứ? Đừng quên đánh giá bài viết, like và chia sẻ cho bạn bè và người thân của bạn nhé !
0 nhận xét:
Đăng nhận xét